Thằng bạn làm chung bất ngờ tâm sự, trách :
-Tại sao anh phát hiện chuyện trộm cắp hàng mà không nhận mình làm, lại ký tên vào cột người làm chứng trong biên bản? Anh có biết việc này ảnh hưởng đến quyền lợi tổ mình như thế nào không ? Các sếp hỏi tổ giám sát ở đâu mà không phát hiện. Có tay còn đòi giải tán tổ mình, tống cổ anh em mình xuống sản xuất . Anh em mình chỗ nào cũng đã đụng chạm, mất lòng. Thà xin xuống sản xuất trước,chứ về sau này bị "đì " về bộ phận nào anh em mình cũng khó dung thân.
Mình làm, mình phải nhận công sức.Bọn chúng ăn không ngồi rồi, không làm còn vơ vào cả đống. Anh đừng bày đặt “ khiêm tốn dổm” nữa. Anh cứ để kệ bọn chúng với đám đại bàng , trộm cắp đủ loại gây cho to chuyện, các xếp lớn mới thấy, anh em mình mới dễ làm. Còn những chuyện tiêu cực, trục trặc mà các xếp lớn cho là nhỏ, chẳng ai quan tâm giải quyết đâu. Có khi các xếp cũng chả rỗi hơi mà đọc báo cáo của anh em mình .
Chỉ là chuyện một công nhân phàn nàn việc xả rác của ca trước, hắn- nhân viên giám sát- đã thoáng nghi vấn và mày mò phát hiện hàng trộm cắp được đem giấu trên một tàu. Những chuyện cỏn con như vậy, ai phát hiện mà chả được, chỉ cần suy nghĩ và bỏ công sức chút xíu.
Thật lạ. Hắn nghĩ bọn họ muốn giành giật danh hiệu này nọ, tôn vinh lẫn nhau thì cứ tiếp tục giành với tôn vinh nhau. Nếu muốn xác minh chuyện bé tý “ ai phát hiện” thì quá đơn giản. Chỉ cần một cú điện thoại hay bước vài bước xuống gặp những người liên quan, hỏi quá trình phát hiện như thế nào là lòi ngay ra ai làm, ai nhận vơ. Ngay ở cấp quản lý gần dưới cùng mà họ đã quan liêu, xa rời thực tế, đấu đá cãi nhau chí chóe chủ yếu vin vào câu chữ trong giấy tờ. Thử hỏi khi họ leo dần đến cấp quản lý, lãnh đạo cao hơn thì như thế nào ?
Thằng bạn làm chung đã trách móc hắn “ khiêm tốn dổm” vì chuyện “ ai phát hiện” và chữ ký không đúng chỗ. Hắn thấy hắn có lỗi với cả tổ giám sát. Hắn ngu dốt vì sự hiểu của hắn ngắn ngủn.
Khiêm tốn là gì ? Bao năm qua hắn chả biết rõ.
Hắn chỉ nhớ khiêm tốn là một từ trong 5 điều Bác Hồ dạy mà bọn hắn phải ê a học thuộc lòng thưở bắt đầu đi học. Bao nhiêu năm nhìn lại, hắn chỉ thấy trong học bạ các cấp của hắn được phê chữ “khá” , “giỏi “ thôi. Cố gắng đến mấy để học và làm theo 5 điều Bác dạy, hắn cảm thấy không làm tròn nổi , càng ngày càng đuối dần.
Ở trong gia đình hắn, ông bà ba mẹ luôn dạy: “anh chị em như thể tay chân” , phải nhường nhịn “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Khi thấy nhà có rác phải cầm cái chổi quét trước rồi hãy nói người khác.
Khi ăn cơm mọi người đều để dành đồ ăn ngon,múc cơm vào gầu mên, ủ cơm vào chăn len để dành cho người nào ăn sau . Ngoài miền Bắc có những mùa đông rất lạnh.
Thậm chí khi có ai đến nhà mắng vốn chuyện hắn đánh lộn với con của họ, ba hắn cũng bắt phạt hắn trước đã, chuyện phải quấy tính sau. Do vậy hắn ít khi gây lộn, đánh nhau.
Toàn những điều nhỏ bé, bình thường và dễ làm. Không khó hiểu như từ “khiêm tốn”.
Lúc rảnh rỗi, hắn hay nghĩ vẩn vơ, không đầu không đuôi về những chuyện đã qua.
Tổ giám sát được đẻ ra từ nhu cầu gấp gáp chống tiêu cực đang tràn lan trong nội bộ cty nên chưa có qui chế làm việc rõ ràng. Tất cả những chuyện phát hiện trộm cắp, tiêu cực đều phải báo phòng BVQS để lập biên bản. Cho nên mấy ông BV tha hồ ghi vào biên bản rằng “BV phát hiện”, “BV bắt “…ngay cả những lúc họ la liệt xỉn ngủ trong ca trực.
Những đám kiêu binh chống tiêu cực nhưng lại đầy rẫy tiêu cực, mánh mung.
Thậm chí có lần khi nhận được tin báo, họ cố tình cho xe có hàng trộm cắp của đại bàng cấp 1 ra khỏi cổng cty, rồi quay lại lập liên bản hắn vì “ tội báo sự việc trễ “. Dĩ nhiên là có đấu khẩu với bầy BV, quản lý và hắn không ký vào biên bản. Ông tổ trưởng tổ giám sát cũng ngán ngại, bảo hắn lên thẳng tổng GĐ để trình bày sự việc. Hắn nghĩ chưa đến mức phải báo cáo vượt cấp. ” Được” gặp các ông trưởng , phó của phòng BVQS, hắn hỏi : “ Nếu tôi hay những người khác không báo cho các anh thì người ta chở bom vào cty hay chở tài sản của cty ra ngoài , mấy anh cũng không biết gì sao ? “ Mặt tên TP tím tái, hận thù. Mặc kệ. Hắn đã chuẩn bị đối đầu cả bên trong lẫn bên ngoài những lúc cần thiết. Bởi vì còn làm thì khó có thể tránh né bọn chúng hoài .
Thế nhưng càng muốn làm rõ ràng, hắn càng cảm thấy vác nặng và lún mãi dưới sình. Hắn vẫn là thằng nhân viên quèn, 10 năm chưa được tăng lương vì đủ thứ nguyên do và vẫn là chân sai vặt làm lung tung việc. Chưa bị thất nghiệp là còn hên. Đúng là hắn chả ra cái tích sự gì, tuyền nhát chết, dốt nát và dở ẹc.
Ngoài xã hội, quả thật có đầy rẫy những tinh hoa cống hiến.
Nghe đâu có một “nữ khoa học za” có mấy chục cái công trình ngâm kíu ở cấp gì đó cao lắm. Có kẻ tò mò ước tính, nếu “khoa học za” xuất chúng này mỗi năm hoàn thành được một công trình thì ắt hẳn bà phải nghiên cứu từ lúc mới tập bú cho đến ngày nghỉ “ hiu”. v.v.& v.v . Những người này học bằng cách nào, làm việc kiểu như thế nào mà sao thiên tài quá.
Không thấy động chạm gì đến từ “ khiêm tốn” hay không, nhưng họ có vẻ luôn ung ung , tung tăng với bao la công trạng.
Vậy thì khiêm tốn có cần không ? Hắn vẫn không biết rõ.
Chí ít thì cũng có lúc cảm thấy cần tìm kiếm một người phụ nữ để được “ nhận vu vơ lấy vợ thằng nhân “. Chắc hẳn bà này thông minh, địa vị cao, giàu có và lại có sẵn cả khiêm tốn.
Cho nó khỏe cái thân.